Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao kết quả thi JLPT của bạn lại khác biệt so với điểm tự tính khi so đáp án không? Sự khác biệt này có thể xuất phát từ phương pháp tính điểm đặc biệt mà Kỳ thi Năng Lực Tiếng Nhật JLPT áp dụng. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng khám phá cách thức đánh giá năng lực tiếng Nhật qua cách tính điểm thi JLPT.
1. JLPT và phương pháp tính điểm theo thang đo - 尺度得点
Trong các kỳ thi truyền thống, điểm thường được tính bằng cách cộng tổng điểm số của các câu trả lời đúng. Tuy nhiên, phương pháp này có thể không công bằng nếu độ khó của các bài thi không đồng đều. Điểm số JLPT không theo phương pháp này mà áp dụng "尺度得点” - điểm số theo thang đo, dựa trên Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi (Item Response Theory - IRT), phương pháp này không chỉ xem xét các câu trả lời đúng mà còn phân tích độ khó của từng câu hỏi trong bài thi.
2. Quá trình tính toán điểm số theo thang đo
Quá trình tính điểm JLPT dựa trên Lý thuyết Ứng đáp Câu hỏi (IRT), là một cách tiếp cận khác so với việc đơn thuần tính điểm dựa trên số câu trả lời đúng. Điểm theo thang đo của JLPT được quyết định bởi mẫu đáp án của thí sinh, dựa trên việc câu trả lời là đúng hay sai và độ khó của từng câu hỏi.
Ví dụ, với mỗi bài thi chứa tới 10 câu hỏi, có tới 1024 mẫu trả lời có thể xảy ra. Trong quá trình tính điểm, những mẫu đáp án này được sử dụng để đánh giá năng lực tiếng Nhật của thí sinh, xếp họ vào nhóm điểm từ 0 đến 60 điểm, hoặc từ 0 đến 120 điểm (đối với phần thi 1 của cấp độ N4, N5). Do đó, ngay cả khi hai thí sinh có số câu trả lời đúng như nhau, điểm số của họ có thể khác nhau do khác biệt trong mẫu đáp án cụ thể của mỗi người, phản ánh chính xác và công bằng thực lực của thí sinh trong bài thi tiếng Nhật.
3. Lợi ích của điểm số theo thang đo
Nhờ áp dụng phương pháp này, ta có thể thấy JLPT mang lại nhiều lợi ích đáng kể:
- Cung cấp một thước đo thống nhất: Phương pháp này cho phép tính điểm không dựa vào độ khó của mỗi kỳ thi. Việc đánh giá năng lực dựa trên mẫu đáp án của thí sinh và mực độ khó của câu hỏi giúp điểm số phản ảnh một cách nhất quán và tin cậy khả năng của thí sinh, bất kể sự khác biệt về độ khó giữa các bài thi.
- Đảm bảo công bằng giữa các thí sinh: Phương pháp này cho phép các thí sinh có cùng năng lực nhưng tham gia vào các bài thi với mức độ khó khác nhau nhận được điểm số tương đương. Điều này giúp đảm bảo rằng các thí sinh được đánh giá một cách công bằng, không phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên của việc phân bổ câu hỏi trong từng kỳ thi.
- Phản ánh chính xác hơn năng lực tiếng Nhật: Khác với phương pháp truyền thống chỉ dựa trên số câu trả lời đúng, điểm số theo thang đo xem xét tổng thể mẫu đáp án của thí sinh, bao gồm cả câu trả lời đúng và sai. Điều này cho phép đánh giá chính xác hơn về sự hiểu biết thực sự của thí sinh về ngôn ngữ, không chỉ là khả năng chọn đáp án đúng mà còn cả khả năng phân tích và xử lý thông tin dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm.
Hình ảnh: Thang điểm đỗ thi kì thi JLPT
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu được rõ hơn về cách tính điểm của kỳ thi JLPT. Chúc bạn thành công và tiến bộ không ngừng trong hành trình chinh phục tiếng Nhật!
Ngoài ra, nếu bạn quan tâm đến cách tính điểm khi làm các bài thi thử, bạn có thể tìm hiểu thêm tại bài viết dưới đây: Cách Tính Điểm JLPT Từ N5 Đến N1 Theo Cấu Trúc Đề Mới Nhất
Nguồn tham khảo: https://www.jlpt.jp/about/pdf/scaledscore_j.pdf