Có phải bạn đã từng luyện nghe rất nhiều, nghe hết Nhk, đến Shadowing, rồi xem phim anime,... nhưng nghe mãi vẫn không hiểu gì? Chỉ nghe được 1-2 từ vựng trong câu, rồi không nghe kịp theo tốc độ của người nói. Bài viết này, Dungmori sẽ chia sẻ cho bạn phương pháp luyện nghe hiểu (chắc chắn thành công) bởi đã được áp dụng cho hàng trăm nghìn học viên của Dungmori.

 

I. Nguyên nhân vì sao bạn nghe mãi nhưng vẫn không hiểu?

 1. Thói quen nghe thụ động nhưng sai phương pháp 

Có thể, bạn được mọi người khuyên Nghe thụ động thật nhiều. Rất nhiều bạn nghĩ rằng, cứ bật máy lên rồi nghe cả đoạn dài như vậy, không ít thì nhiều kiểu gì cũng ngấm được 1 tí. Việc "tắm tiếng Nhật" như vậy thì sẽ tốt nhưng không phải ai cũng chỉ ra cho chúng ta cách làm sao để thật sự phát huy hiệu quả. Với những người mới bắt đầu, chưa bắt kịp được ngữ điệu, chưa có lượng từ vựng, ngữ pháp nhất định thì "tắm ngôn ngữ" như vậy sẽ rất dễ bị "cảm lạnh".

Dungmori - Bí kíp luyện nghe tiếng Nhật cho người mới bắt đầu từ các cao thủ

 

Phương pháp luyện nghe hiểu đối với trường hợp này: Giống như trẻ em khi tập nghe nói - chúng cũng tập 1 từ - 2 từ trước, rồi mới dần nâng cấp lên câu 3-4 từ. Chúng ta khi học tiếng Nhật hay ngôn ngữ mới cũng tương tự như vậy. Học nghe từ vựng trước cho quen với ngữ âm, sau đó nghe từng câu 1. Ở các giáo trình tiếng Nhật, có kèm file nghe hội thoại. Các bạn có thể bật máy lên và bấm nghe từng câu trong đoạn hội thoại. Nghe tới khi nào rõ cả câu thì hãy chuyển sang câu khác. Vừa nghe, vừa tập nhắc lại theo máy. Bằng cách này, các bạn có thể quen với nhịp và ngữ điệu của hội thoại tiếng Nhật, cũng như có thể học và nhớ được các từ ngữ xuất hiện trong hội thoại đó. 

 

2. Số lượng từ vựng và ngữ pháp còn hạn chế

Từ vựng và ngữ pháp rất quan trọng đối với cả Nghe hiểu và Đọc hiểu. Đôi khi chỉ cần nghe được từ vựng thôi, chúng ta cũng đoán được nội dung của câu hội thoại. Tuy nhiên, nhiều bạn chưa nắm được từ vựng - ngữ pháp đã nóng vội học Nghe hiểu luôn, sẽ rất khó khăn.

Phương pháp luyện nghe hiểu đối với trường hợp này: Bổ sung 1 lượng từ vựng nhất định theo chủ đề và lựa chọn đoạn hội thoại cũng liên quan đến chủ đề đó. Như vậy, vừa học - vừa thực hành luôn thì các bạn sẽ thu lại được hiệu quả cao. Bạn nên đi từ dễ - đến khó dần, tránh việc nghe ào ào cả đoạn dài sẽ rất dễ nản, và cũng có khả năng não bộ không "hấp thụ" được gì.

 

3. Tài liệu luyện nghe

Lựa chọn tài liệu luyện nghe cũng cực kỳ quan trọng, bạn nên tìm tài liệu phù hợp với trình độ của mình. Nếu chọn tài liệu quá dễ hoặc quá khó (việc này liên quan tới tốc độ nghe và từ vựng sử dụng trong bài nghe) thì khả năng nghe sẽ khó được cải thiện. 

Phương pháp luyện nghe hiểu đối với trường hợp này: Bạn nên sử dụng tài liệu để luyện nghe khi ít nhất bạn đã hiểu sơ nội dung của bài nghe (chủ đề bạn quan tâm, hứng thú và đã có sự chuẩn bị trước về từ vựng trong tài liệu). Điều này rất quan trọng bởi bạn sẽ có khả năng hiểu ít nhiều hoặc đoán biết được nội dung đang được nói tới. Nếu không thì tối thiểu, bạn cũng không cảm thấy buồn ngủ khi nghe chẳng hiểu gì và nhanh chóng trở nên chán tiếng Nhật.

Phía trên là 3 yếu tố thường gặp nhất trong quá trình luyện nghe khiến các bạn gặp khó khăn và không tiến bộ nhiều. Dungmori hi vọng, với những giải pháp đưa ra, các bạn sẽ khắc phục được và cải thiện kỹ năng Nghe hiểu của mình.