1. ĐIỂM QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý KHI LUYỆN NGHE TIẾNG NHẬT

Trước hết chúng ta cần hiểu rõ các điểm quan trọng trong việc luyện nghe tiếng Nhật để có thói quen học hiệu quả nhất. Cụ thể Dungmori sẽ chia ra làm 5 lưu ý lớn như sau:

Không dịch

Luyện tập bằng cách hình dung tình huống cuộc hội thoại

Sử dụng cả thính giác và thị giác

Chọn tài liệu luyện tập phù hợp với kiến thức về từ vựng, ngữ pháp hiện tại của mình

Cố gắng đọc to

Lưu ý ①: Không dịch

Những người có thể đọc nhanh bài văn dài tiếng nước ngoài đều có một điểm chung là họ “không dịch”. Khi nhìn thấy từ “ リンゴ”, họ không dịch ngay thành “quả táo”. Thay vào đó trong đầu họ sẽ có hình ảnh quả táo lướt qua.  Do đó, tập trung vào việc kết nối âm thanh với hình ảnh sẽ giúp phản xạ, tốc độ nghe của chúng ta tốt hơn rất nhiều.

Tuy nhiên trong một bài đọc hay bài nghe, không phải sẽ chỉ toàn từ vựng mà chúng ta đã biết sẵn. Nhưng cũng không phải 100% là không biết gì. Cho nên, bằng cách luyện tập đơn giản hàng ngày, chuyển dần sang ghi nhớ ý nghĩa từ vựng bằng hình ảnh sẽ là một thói quen hữu ích, bổ trợ rất nhiều cho các kỹ năng khác.

Lưu ý ②: Luyện tập bằng cách hình dung tình huống cuộc hội thoại

Khi hỏi về điểm bạn cảm thấy khó trong tiếng Nhật, nhiều người sẽ nhắc đến “kính ngữ”. Nói dễ hiểu với người mới học sẽ là cách chia thể, dùng thể gì khi nói chuyện với người trên, thể gì khi muốn nói chuyện suồng sã với người bằng hoặc ít tuổi hơn mình. Lí do là vì người Nhật khá coi trọng bầu không khí, để ý cấp bậc của đối phương để sử dụng ngôn ngữ giao tiếp cho phù hợp. Cho nên đối với người nước ngoài, cách tốt nhất có thể luyện tập là hãy tự tưởng tượng. Tưởng tượng mình đang trong hội thoại thực tế, nếu mình có cấp bậc nhỏ hơn thì sẽ nói như thế nào với người trên và ngược lại.

Dựa trên hoàn cảnh tình huống đó, nắm bắt dễ dàng được những thay đổi phức tạp trong cách diễn đạt sẽ giúp bạn phán đoán được mối quan hệ của các nhân vật chính. Nhờ vậy, bạn sẽ có thể phân biệt rõ các nhân vật trong băng, hiểu ngay được hoàn cảnh cũng như nội dung trong một đoạn hội thoại mới nghe lần đầu.

Lưu ý ③: Sử dụng cả thính giác và thị giác

Hồi còn là học sinh, chúng ta đã phải học và ghi nhớ rất nhiều thứ để chuẩn bị cho các bài kiểm tra. Khi đó mỗi người sẽ có những cách học khác nhau để ghi nhớ kiến thức như viết liên tục, đọc to hay nhờ bạn bè đưa ra câu hỏi, kiểm tra chéo,... Đối với học ngoại ngữ cũng vậy, việc chúng ta kết hợp luyện tập cả thính giác và thị giác sẽ giúp việc ghi nhớ sẽ nhanh và lâu hơn. Điều quan trọng là chúng ta phải thật tập trung thì phương pháp học này mới có hiệu quả được.

Lưu ý ④: Chọn tài liệu luyện tập phù hợp với trình độ hiện tại của mình

Khi luyện tập chúng ta nên chọn các tài liệu luyện nghe phù hợp với trình độ hiện tại của mình để tránh cảm giác quá khó hoặc quá dễ. Bởi chúng sẽ làm bạn cảm thấy thất vọng, chán nản hay thậm trí là sợ nghe hơn. Nếu bạn mới bắt đầu luyện nghe (trình độ N5) nên chọn những đoạn audio ngắn, nói chậm, rõ ràng, nhất thiết phải có phụ đề. Bạn nghe đi nghe lại nhiều lần, kết hợp đối chiếu phụ đề đến khi nắm bắt được hết các từ, hiểu hết ý nghĩa và có thể nhắc lại được. Dần dần bạn có thể nghe được nhiều từ hơn và chuyển sang nghe những đoạn băng dài và nhanh hơn.

Một điều nữa là cũng nên chọn file nghe phù hợp với nhu cầu, sở thích. Bằng cách này bạn sẽ thích nghe và mong đợi được nghe mỗi ngày.

Lưu ý ⑤: Cố gắng đọc to

Dù có thể đọc và viết tốt đến đâu, điều đó không có nghĩa là kỹ năng nói và nghe cũng sẽ tốt. Nếu muốn khả năng nghe tốt thì phải tập trung vào cả nghe và nói. Trong đó, việc đọc thành tiếng là một phương pháp có thể thực hiện một mình. Nếu biết cách thực hiện, phương pháp này sẽ giúp bạn nâng cao năng lực tiếng Nhật rất nhanh và hiệu quả.

2. Phương pháp luyện tập để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Nhật cơ bản

Sau đây là 3 phương pháp luyện nghe cơ bản:

- Viết

- Xem phim

- Nghe các nội dung âm thanh tiếng Nhật

Phương pháp đầu tiên Dungmori giới thiệu là “thử viết”. Chắc hẳn các bạn sẽ thắc mắc “Luyện nghe thì liên quan gì đến viết?”, nhưng thực chất việc hình dung âm thanh dưới dạng chữ viết rất quan trọng. Bằng cách viết ra, bạn có thể lẩm nhẩm trong đầu âm thanh của từng chữ cái. Ngoài ra, vì tiếng Nhật không có hiện tượng nối âm (liaison) như trong tiếng Anh nên “viết” là một phương pháp luyện tập hiệu quả.

Tiếp theo là phương pháp học qua phim ảnh. Bộ não con người sẽ dễ nhớ hơn khi có câu chuyện. Hãy nâng cao kỹ năng thực tế của bạn bằng cách suy đoán những phần nghe không rõ dựa trên diễn biến của câu chuyện.

Ở giai đoạn tiếp theo, bạn nên luyện nghe tiếng Nhật mà không cần hình ảnh. Hãy nghe các nội dung có âm thanh như radio. Khi bạn đã có thể nghe mà không cần hình ảnh thì giống như bạn đang thực hành thực tế. Sau khi đã có thể thực hiện thành thạo các phương pháp trên thì bạn sẽ có thể giao tiếp trôi chảy được rồi!

3. Mẹo luyện nghe cho người mới bắt đầu

Dưới đây là 3 gợi ý mà Dũng Mori khuyên bạn nên áp dụng:

Ghi nhớ chính xác cách phát âm

Học nghĩa sau

Học từ các tình huống đơn giản

Mẹo ①: Ghi nhớ chính xác cách phát âm

Kỹ năng nghe có tốt hay không phụ thuộc tất cả vào “âm thanh” nghe được. Hãy ghi nhớ cách phát âm đúng như những gì bạn nghe thấy. Ví dụ như việc phân biệt âm “V” trong tiếng Anh phiên âm sang tiếng Nhật là "ヴィー" chứ không phải "ビー". Hay những chú ý đến trọng âm, trường âm (âm dài, âm ngắn), âm ngắt, ngữ điệu,... Hãy chú ý lắng nghe từng chi tiết nhỏ và cố gắng phát âm lại một cách chính xác.

Mẹo ②: Học nghĩa sau

Trong quá trình nghe bạn đừng dừng lại ở những từ vựng không hiểu. Việc nhớ nghĩa từ vựng nên thực hiện sau khi bạn đã nghe xong. Trước tiên hãy nắm bắt nhịp độ của phát ngôn tiếng Nhật đó, hình dung nội dung bằng những từ vựng bạn hiểu. Bằng cách luyện tập nghe và học từ vựng nhiều lần bạn sẽ dần dần có ấn tượng, khả năng hình dung về từ mà không cần dịch ra ngôn ngữ mẹ đẻ.

Mẹo ③: Học từ các tình huống đơn giản

Học từ những tình huống đơn giản cũng là một trong những mẹo hữu ích. Việc này giúp tăng hiệu quả ghi nhớ, trau dồi hơn nhiều so với việc học các câu phức tạp hoặc những tình huống khó hình dung. Giải thích, mô tả bằng tiếng Nhật những tình huống mà mình nhìn thấy thực tế cũng là một cách để luyện tập.

Qua những chia sẻ bài viết này, Dungmori hi vọng bạn đã nắm được những điểm quan trọng cần lưu ý và những mẹo để cải thiện kỹ năng nghe. Dungmori chúc bạn thành công!