Tối ngày hôm qua, mình có đăng 1 cái post lên Face và Youtube để hỏi xem tình hình học tập, ôn thi tiếng Nhật của các bạn học viên thế nào rồi? Đa số các câu hỏi đều thuộc dạng: làm thế nào để học tốt đọc hiểu, hoặc nghe hiểu, hoặc kiểu từ vựng, chữ Hán khó nhớ quá, làm thế nào để nhớ được bây giờ…

Đây có lẽ là kiểu câu hỏi mà bất kì giáo viên dạy ngoại ngữ nào cũng thấy là mình được nghe nhiều nhất. Từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và chính bản thân bọn mình trước kia khi còn là sinh viên học tiếng Nhật cũng vậy. Cũng từng mếu máo hỏi thầy cô của mình rằng: sao em học hết ngữ pháp rồi mà vào làm đề vẫn chọn sai? Sao đọc hiểu khó thế, em đọc chẳng hiểu hoặc có bài em hiểu đấy mà vẫn chọn đáp án sai? Sao nghe hiểu toàn từ quen thuộc mà lúc nghe lại chẳng ra từ nào thế nhỉ? Tại sao? Tại sao?



Nói vậy để các bạn thấy, đó là nỗi lo chung của không chỉ riêng một người mà là của rất nhiều người – những người đang học ngoại ngữ, và cụ thể ở đây là đang học tiếng Nhật. Chính vì vậy, trước khi tìm ra câu trả lời làm thế nào để học tốt được, chúng ta hãy tự trấn tĩnh lại bản thân mình đã nhé. Khi bắt tay làm việc gì, sự bình thản, sẵn sàng đón nhận thử thách là cái quan trọng nhất, thành hay là bại, thì bên cạnh sự may mắn, chủ yếu là từ thái độ đón đầu này mà ra.

Tiếp theo, mình xin đi thẳng vào vấn đề. Đó là trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để học tốt tiếng Nhật?
Thứ nhất:
Để học tốt Chữ Hán: thì cần viết nhiều, đọc nhiều.
Để học tốt Từ Vựng: ghi chép nhiều, vận dụng đặt câu nhiều, nói nhiều.
Để học tốt Ngữ Pháp: học nhiều, làm bài tập nhiều, đặt câu vận dụng nhiều.
Để học tốt Đọc Hiểu: làm đề đọc hiểu nhiều, và luyện đọc nhiều báo chí, mẩu tin, sách truyện…
Để học tốt Nghe Hiểu: nghe nhiều.
Để làm đề thi được điểm cao: luyện đề nhiều.

Câu trả lời như đùa đúng không? Đúng thế. Là câu trả lời mà ai cũng biết, nhưng vì chúng ta không nghe theo hoặc không thực hiện theo nên kết quả học tập mới không như mong muốn. Hãy tự hỏi lại bản thân mình xem đúng không nhé.
Cuộc sống xã hội ngày nay thay đổi nhanh quá, nên chúng ta thấy cái gì làm cũng nhanh. Cửa hàng ăn nhanh, giao hàng nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh, đến làm ra một cái ô tô cũng nhanh…phải chăng vì thế mà nhiều trong số chúng ta cũng có một mong muốn là làm thế nào để học cũng được nhanh chóng, hiệu quả nhất có thể.
Nhưng bản thân việc học, cũng giống như việc chữa bệnh, giảm béo, ăn kiêng…là một hoạt động tác động trực tiếp lên con người, lên chính cơ thể của chúng ta. Mà một khi đã là việc để thay đổi con người, bất kể có là thay đổi về thể chất, hay trí tuệ, tinh thần thì câu này luôn đúng này: Dục tốc bất đạt.

Cũng giống như chúng ta đang tìm cách để giảm cân chẳng hạn. Nếu chọn những phương pháp giảm cân kiểu thần tốc như nhịn ăn, mặc áo mưa chạy bộ liền mấy cây số thì cân nặng của bạn chỉ giảm được vài ngày, rồi khi không nhịn được nữa thì cân nặng lại trở về mức cũ, thậm chí còn tăng hơn. Nhưng nếu bạn giảm cân bằng cách tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ, có thể sẽ mất rất lâu 1 vài tháng, thậm chí là một vài năm để nhìn thấy được kết quả, nhưng nó sẽ giúp bạn thay đổi được thể chất mình lâu dài.

Việc học cũng vậy. Chúng ta thường hay bị mục tiêu phải đỗ một kì thi nào đó thay đổi hoặc chi phối tâm thế của bản thân đối với việc học. Còn vài tháng nữa phải thi Nờ rồi, làm thế nào để nhớ được hết đống này bây giờ. Chúng ta cày ngày cày đêm, hùng hục học. Mình không muốn phản đối hoặc phủ nhận cách học này, vì ít nhiều chúng sẽ mang lại hiệu quả. Nhưng với phần đông mọi người, cách học kiểu nước đến chân mới nhảy này dễ khiến tâm trạng chúng ta cảm thấy hoang mang, sốt ruột, lo lắng.

Thay vào đó, nếu đã đặt ra một mục tiêu là tham gia kì thi này vào thời gian này, thì các bạn hãy lên kế hoạch, dành cho việc học đúng đủ thời gian. Và rồi việc cuối cùng, là hãy bước vào việc ôn thi với tinh thần học hỏi là trên hết, học để nâng cao năng lực bản thân, khám phá thêm nhiều kiến thức mới. Mỗi ngày một chút, rèn thói quen năng nhặt để được chặt bị. Và nếu, bạn đã dành thời gian đủ và cảm thấy mình đã rất chuyên tâm cho việc học, thì dù có lúc mình quên từ, quên ngữ pháp khi làm bài test thì cũng đừng cảm thấy lo lắng. Hãy dừng lại, mỉm cười nhẹ một cái, mở lại sách ra, tra lại từ hoặc ngữ pháp đó, rồi note lại, và thầm hứa: Nốt lần này thôi, tao sẽ nhớ mày mãi mãi.

Còn nếu bạn cảm thấy đọc hiểu khó quá, sao chẳng hiểu gì, sao sai hoài vậy? Thì hãy nhắn tin hỏi một người sẵn sàng giải thích cho bạn, rồi nghiên cứu kĩ lại, nghiệm cho hết cái bài đó. Nếu không hiểu đừng bao giờ bỏ qua hoặc phớt lờ nó. Đừng ham số lượng rằng tối nay mình phải làm hết được bao nhiêu bài, nghe bao nhiều đề luyện. Mà hãy lấy mục tiêu, mình hiểu ngọn ngành được bao nhiêu trong số đó. Hãy ngấu nghiến cho đến kiệt cùng cái ý mà tác giả muốn nói đấy, hiểu đến từng chữ câu mà người ta nói ra thì thôi.

Học là phải từ từ để ngấm, học rồi lại quên, quên rồi lại học lại. Chứ quên mà lại bỏ đấy để hỏng hẳn. À, có phải bạn cũng thường hay tự tức giận chính bản thân mình sao cái này lại quên được, lại sai được đúng không? Thực ra đó là dấu hiệu tốt đó. Vì khi học mà chúng ta có thêm những cảm xúc như vậy, thì kiến thức sẽ gây được ấn tượng hơn với não của mình, từ đó ghi nhớ cũng sẽ được lâu hơn.
Học cũng là để làm đẹp cho chính bản thân mình. Vì vậy đừng kì thị nó, coi nó như kẻ thù. Hãy yêu lấy nó, cũng chính là yêu chính mình. Rồi bạn sẽ thấy mình lấp lánh với những thứ trang sức tuyệt đẹp mà việc Học ấy mang lại đấy.
Cứ bình tĩnh, tự tin, chiến thắng nhé.