CÁCH ĐỌC SÁCH

Đã lâu lắm rồi tôi mới ngồi ở thư viện lâu như ngày hôm nay. Đầu cảm thấy hơi đau nhức vì sử dụng quá sức lực cho 20 trang giấy tiếng nhật trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ. Nó làm cho tôi nhớ lại những ngày tháng năm đầu tiên tại đại học. Học ở nhà khoảng 2 năm, học ở trường tiếng nhật 2 năm vậy mà trong năm đầu tiên của đại học, tôi vẫn không bắt nhịp nổi với giờ học tại trường.

Vì sao vậy? vì tất cả các giờ học đều sử dụng tiếng nhật. Rất, rất nhiều từ mới mà tôi chưa được học (do tôi ko tìm hiểu) khiến tôi bỡ ngỡ và trở nên ngu ngơ khờ khệch. Tôi phải nghe thầy cô giáo giảng bằng tiếng nhật, phải nêu ý kiến hoặc cảm nghĩ của mình về giờ học hôm đó cuối mỗi buổi. Giữa kỳ học và cuối kỳ là những bản báo cáo, mà báo cáo viết như thế nào thì tôi cũng chưa 1 lần hình dung ra trước khi nhập học.

Báo cáo thực ra là một dạng bài tập mà thôi. Tuy nhiên để viết được báo cáo thì cần phải đọc sách, và kể từ đó tôi “bị bắt” đọc nhiều sách hơn. Những cuốn sách đó hầu như dễ đọc hơn sách hiện tại nhiều vậy mà vẫn cứ mất hàng mấy chục tiếng. Nói tóm lại là tôi phải ăn ngủ với sách để viết được bài báo cáo cho câu cú hoàn thiện, có đầu có đuôi. Tuy vất vả trong năm đầu tiên nhưng thời điểm đó chính là bàn đạp để cho tôi rèn luyện kỹ năng đọc hiểu của mình trong những năm tiếp theo cũng như sau này.


Thầy cô giáo có truyền lại cách đọc sách cho tôi như thế này. Bởi vì sách thì nhiều chữ, nội dung thì nhiều do đó việc nhớ hết toàn bộ là không thể. Vì thế Việc quan trọng để đọc kỹ một cuốn sách đó là ta vừa đọc vừa suy nghĩ, hãy để lại những cảm nhận bằng cách dùng bút kẻ, hay viết lại những đoạn mà mình cho đó là quan trọng, gấp hay dán giấy để đánh dấu trang sách đó. Đến 1 lúc nào đó ta sẽ có thể giở sách xác nhận lại ngay những dấu tích mà ta đã ngẫm nghĩ khi có một việc nào đó có liên quan đến chúng.Nếu có thời gian, hãy viết lại “ý của đoạn đó” bằng lời văn của chính mình dựa vào một vài từ khoá có ý nghĩa.

Ngày đó tiếng nhật còn gà mờ do đó để viết lại một đoạn nào đó bằng lời văn của mình thì hơi khó, tôi đọc sách chỉ đánh dấu trang, kẻ lại những đoạn quan trọng mà thôi. Tuy chỉ khi áp dụng như vậy thôi tôi thấy nó thật là hiệu quả. Đúng như thầy giáo dạy, trong quá trình học có rất nhiều nội dung học tập liên quan đến những gì tôi đã đọc, những gì tôi đã ngẫm, và trong những lần như thế tôi chỉ việc giờ sách đọc lướt qua những chỗ gạch chân, hay những trang có đánh dấu sẵn, vậy là tôi đã tìm lại được những ý chính để có thể viết được 1 bài báo cáo tốt.

Không chỉ với tiếng nhật, ngay cả tiếng việt hay bất cứ ngôn ngữ nào khác, việc làm này thực sự có hiệu quả.

CÁCH HỌC TIẾNG NHẬT HIỆU QUẢ

Giờ mới nhớ ra, trong quá trình học tiếng nhật tôi luôn có một cuốn sổ ghi chép riêng của mình, ngay cả bây giờ cũng vậy, tôi luôn ghi chép những từ mới khi phát hiện ra.Thi thoảng mở ra coi lại, khi cần sử dụng thì xem lại và mang ra sử dụng. Sử dụng nhiều thì sẽ nhớ.

Đó cũng là lời khuyên của tôi dành cho các bạn đang học tiếng nhật kiểu dạng “online”. Hãy tự tạo cho mình 1,2 cuốn sổ, cuốn vở riêng cho chính mình. Trong quá trình, vừa lướt facebook chúng ta gặp rất nhiều bài viết về ngữ pháp cũng như từ vựng tiếng nhật hay, khi đó chúng ta nhanh tay ấn like hay share có phải không ạ. Đó dường như đã trở thành thói quen xấu của chúng ta mất rồi. Vì thế khi thấy một chủ đề tiếng nhật nào đó hay hay thì hãy tạm ngừng chát chít một chút để lưu lại những cái hay trước đã nhé. 

Tóm lại có 2 việc chính phải làm như sau:

1.Trước khi share hãy đọc và ghi chép lại những cái mà mình thấy nó tuyệt vời, đáng để học hỏi.

2.Những lúc rảnh rỗi giở ra xem lại tất cả những gì mình ghi chép. 

Chắc có bạn nghĩ rằng, chép nhiều ghi nhiều rồi thời gian đâu mà xem hết được phải không ạ. Tuy nhiên, nếu xem lần một mất 30 phút, thì lần 2 chắc chắn cũng chỉ còn 25 phút, lần 3 chỉ còn 20 phút....lần thứ 10 chỉ còn 2 hoặc 3 phút mà thôi. Vì mỗi lần xem thì một lượng kiến thức “nho nhỏ” sẽ nhập vào đầu mình, khiến trong những lần tiếp theo, não bộ của ta sẽ tự bỏ qua hết những phần nho nhỏ đó, và ta sẽ không còn phải tiêu phí quá nhiều thời gian quá nhiều vào việc xem lại nữa.Hoặc công dụng của việc ghi chép này sẽ khiến ta dễ dàng tìm kiếm nội dung mà đã học một cách đơn giản.

Trong quá trình học tiếng nhật trên trường lớp cũng vậy, ngoài việc ghi chép ra các bạn hãy làm vây bẩn cuốn sách của mình bằng cách gạch, gấp, hay “viết bậy” vào bất cứ khu vực nào trong sách nhé,vì những chỗ vây bẩn, rách nát luôn nổi bật, nó sẽ khiến ta để ý nhiều hơn, và đương nhiên chẳng biết tự khi nào nó đã in sâu vào trong tâm trí của ta mà ta không hề hay biết.

Dũng Mori
30/10/2014